Ký ức bình yên, cuối cùng cũng là đã từng

Chủ nhật - 22/11/2020 23:27

Lúc này, tôi chợt hiểu rằng chúng tôi đã lớn và anh không còn là cậu nhóc năm nào luôn phải chịu đựng những vết thương vô tình đến từ tôi. Nhưng những vết thương ngoài da ấy, đau rồi sẽ lành, còn với tôi, vết thương đến từ tình yêu đầu đời khó lòng mà quên được. Vùng ký ức bình yên mà chúng tôi từng có, mãi mãi vẫn chỉ là một hồi ức đẹp đã từng có mà thôi. 

***

Quê hương trong ký ức tôi là đồng lúa chín vàng mỗi độ vào mùa thu hoạch, là cọng rơm khô vụt bay lên không trung của chiếc máy tuốt lúa thô sơ, nơi ấy còn là chỗ ẩn nấp thú vị của những trò chơi trốn tìm đêm trăng sáng. 

Quê tôi gió cũng có mùi thơm, không ngào ngạt mà ngọt ngào, có lẽ hương thơm ấy tỏa ra từ khóm tre, từ đám lạc non của vụ khoai, vụ vừng vào dịp chín rộ.

Tới những đêm trăng mùa lụt, bì bõm vớt cá trong đêm cũng không làm lòng người nao núng. Khi ấy ánh trăng to tròn in trên mặt nước, không gian trở nên huyền ảo, người ta chẳng nghĩ tới khó khăn sau ấy, người ta chỉ cười mà than với nhau rằng trời còn thương ta lắm mình ơi.

Và trong miền ký ức của tôi có anh. Tôi và anh trải qua quãng thời gian tươi đẹp nhưng ban đầu hãy để tôi xưng anh là nó, cho đúng với kỷ niệm giữa chúng tôi.

Khi ấy con đường làng quanh co, gấp khúc cứ nối đoạn này với khúc kia, nhưng có đi thế nào thì cũng chạy về đầu làng, nơi có cái cổng to, bên trên có ngói lợp, lúc đó vẫn nghĩ mình sẽ chẳng đi xa được cái cổng làng, vậy mà đã đi xa thật xa.

Con đường ấy lắm ổ gà ổ voi, tính tôi thì đi cứ nhìn mây nhìn trời, bao lần vấp ngã lấm lem mặt mày, chỉ có nhăn nhở cười. Hình như đứa nào cũng thế, không chỉ riêng tôi, đi đến mòn đường mà vẫn té ngã. 

Khi ấy, cuộc sống chúng tôi thật nhẹ nhàng như con sông bên dưới cây cầu của mỗi buổi chiều chăn trâu, chăn bò, bọn tôi còn hay gấp thuyền giấy để thả cho dòng nước cuốn đi. Con diều bên bờ sông khi hè về có tôi và nó cùng nhau khôn lớn.

bình_yên_2

Nó hơn tôi 2 tuổi, hồi đó nó chỉ cho tôi chơi cùng khi ở nhà, còn đi học thì không nhé, bao giờ nó cũng đi trước tôi, mấy lần nó bị tôi mách lẻo, bị ba nó cho ăn đòn nên đâm ra nó cấm hẳn đi học chung. 

Ở nhà thì nó miễn cưỡng chấp nhận cho chơi chung vì có mỗi hai chúng tôi nhà ở gần nhau lại còn cuối làng, bọn bạn ở gần hết giữa làng và đầu làng, muốn chơi đông thì chỉ khi đi chăn trâu, nên nó mới đành chơi chung với đứa con gái chưa đánh đã khóc, chia phần thì cứ đòi hơn, cùng phạm lỗi nhưng lại cứ thích đi mách lẻo.

Hơn tuổi mà nó lại học chung với tôi từ lớp 3, tôi thì đắc chí lắm, có đứa đi học cùng thì còn gì vui bằng. Dạo ấy bắt đầu vào khai giảng thì bão về, bọn tôi được nghỉ học. 

Mưa to lắm ao nhà ai cũng đầy nước, tôi thì nhờ nó kết bè chuối làm thuyền chèo trên ao. Nó là con trai, nó không chơi trò ấy. Nó còn bĩu môi kêu tôi nhát gan, còn nó thì gan lắm.

Nó túm lấy tàu dừa bên bờ ao, ghì xuống chẻ làm đôi, nó lấy đà từ bờ đu ra giữa ao để nó trồng chuối, hai tay dưới đáy ao, hai chân giơ lên trời. Nó thì tài bơi, nó đẩy bè chuối tôi đi quanh ao, tôi khi ấy cười toe toét. Bao lần cũng không đếm xuể nhưng xui cho nó lần ấy nó đang đu tàu dừa thì tàu dừa bị rơi làm nó mất đà, cả tàu dừa theo nó ra hơn giữa ao, nó chìm nghỉm, chờ mãi không thấy nó ngoi lên , tôi sợ lắm cứ tôi hét to. 

Bố nó nghe tiếng tôi hét, chạy tới nhảy vội xuống ao lặn vớt được nó lên, nó uống no một bụng nước. Nhưng chưa hết, nó bị gãy cả tay cả chân, phải lên tận huyện bó bột. Tầm đâu cả 4 tới 5 tháng nên nó không được vào học, phải chờ sang năm học mới.

Nó lại đâu có chừa, lành tay chân là hai đứa tôi chơi đủ trò, nhảy ngựa, thụi đầu gối ở phía sau nhà, chơi mệt lại lăn ra góc đền nằm mà luyên thuyên đủ chuyện.

Thoắt cái đến năm học mới, nó mừng lắm, nó chơi nguyên một năm học còn gì, nó chỉ buồn một tẹo là các bạn nó đã lên lớp 4, mà năm ấy nó vẫn ở lớp 3. Nhưng có lẽ số phận nó là phải học chung lớp tôi, chung con đường với tôi, nên năm ấy học được nửa học kỳ, nó lại phải nghỉ giữa chừng, nguyên nhân lại là do tôi. 

cogaikhoc

Buổi chiều hôm ấy, tôi và nó vác thang đi bắt tổ chim trên cây xoài, nó leo lên thang còn tôi dựa thang cho khỏi té. Nhưng khi ấy tôi đang ấm ức, tôi tính vụng về cẩu thả nên chẳng có cái quần nào lành lặn, bị bố cho ăn roi suốt, nhưng tôi chẳng chừa được, nó ở gần nhà nên nó biết bí mật ấy của tôi, nó lại còn đi rêu rao với mấy đứa giữa làng với thằng Tèo, con Mận, con Hoa, cái Tí là tôi mặc quần thủng đít. 

Cay cú lắm, nên đang dựa thang, tôi bỏ thang đó đi về nhà. Nó không biết tôi bỏ về, cứ leo mãi rồi nhún nhún, chọn chim, không biết nó loáy hoáy kiểu gì thang mất cân bằng, cả nó cả thang rơi xuống đất. 

Nó xương, gãy lại cái chân mới lành, nghe nội tôi nói, nó phải đi tận thành phố đóng đinh. Tôi hối hận, tôi thương nó nhưng rồi tôi hết thương ngay sau trận đòn của ba tôi, ba đánh mà chẳng thương gì. 

Cái cành mây ba để đan làm rế bắc nồi, ba chắp thành tư, quật vào mông tôi, vào bắp chân, cả lòng bàn tay. Ba đánh mà ba không tiếc, thì tôi thương làm sao được nó nữa mà thương. 

Tôi còn đang giận ba tôi nữa, mỗi lần ba vút roi, tôi hét đến tận đầu làng còn nghe mà ba vẫn quất như thường, đã thế đánh đến đâu ba còn đếm cho tròn chục, ba chẳng bớt cái nào mà mẹ cũng chẳng can.

Tôi nhớ sau trận đòn ấy, tôi phải nằm sấp cho nội tôi lấy rượu ngâm ra xoa vết đánh.

“Nghịch chi dại. Ba đánh bây vậy bây chỉ đau ngoài thịt, chứ ba bây đau tận tim, bây khóc chứ ba đâu được khóc”.

Tôi còn cố nói.

“Mẹ cũng chẳng thương cháu”.

Nội tôi chỉ cười hiền từ

“Chứ bây thấy mẹ không thương bây, không thương mà trong bếp khóc, mà vẫn hầm cháo cho bây”.

nghingoi1chut

Nội cứ lấy cái quạt mo cau mà phẩy, mà xoa, mà ru tôi ngủ. Trong tiềm thức lúc ấy, tôi thắc mắc lắm “Ba đánh tôi đau, chứ có đánh ba đâu mà ba khóc”.

Về sau này tôi mới biết, là ba sau đó cũng chạy vạy giúp đỡ nhà nó nhiều lắm, nhà quê thì quanh năm nghèo, đi thành phố thì cần nhiều tiền lắm, phần vì hàng xóm, phần vì lỗi cũng do tôi. Ba đánh để răn tôi, chứ ba thương tôi nhiều lắm, chỉ là lúc đó đâu đủ khôn lớn để nhận ra.

Năm học sau ấy, nó vào học lớp tôi, cô giáo còn xếp ngồi chung bàn, thành ra từ dạo ấy thân hơn, đi đâu cũng có nhau, nó không còn bộ mặt vênh váo nữa, nó lại còn quý tôi hơn. 

Nó dạy tôi học bài mỗi buổi chiều, buổi tối, dạy bài mà nó cốc u cả đầu tôi, nói do tôi ăn khoai nhiều, nên đầu mít tịt. Mỗi lần ấy ba mẹ tôi lại cười trìu mến, còn nội thì móm mém chiếc răng duyên. 

Nhà có mỗi tôi nên tất cả tình yêu thương mọi người đều dành tôi hết. Tôi có đứa em nữa nhưng nó ra đi mãi mãi ở mùa lụt to của dạo mấy năm trước. Cứ nó đến là cả nhà tôi lại rộn vang bởi tiếng hai đứa tôi, thành ra mọi người trong nhà quý nó nhiều lắm, nó cũng biết nên hay ở lỳ nhà tôi.

Hè đến, hai đứa hay nằm lên tấm sạp bên hiên nhà nghe nội tôi kể chuyện. Nội hay kể chuyện Phạm Công cúc hoa, chuyện Từ thức gặp tiên, Ngưu Lang chức nữ, Ngao sò ốc hến… nhiều chuyện lắm tôi chẳng nhớ hết,  vừa kể nội vừa phe phẩy cái mo cau, để câu chuyện cứ dang dở đi vào giấc ngủ êm đềm.

 

Và bọn tôi dần lớn lên, năm học lớp 10 hai đứa được lên huyện học, ra được ngoài cái cổng làng tôi vì trường làng chỉ dạy đến cấp 2 thôi. Thường thì các bạn khác học đến lớp 8 lớp 9 là nghỉ học hết rồi.

Tôi nhớ từ dạo ấy tôi không xưng mày tao với nó nữa. Tôi hay gọi tên của nó là Phong và xưng tên là Nhã. Nó cũng vậy, điều đó chứng tỏ chúng tôi đang lớn.

Từ làng lên huyện 15 cây số, không xa lắm nên bọn tôi sáng đi chiều về, lên cấp 3 làng tôi ít người theo học lắm, chỉ có 5 đứa. Được lên huyện học tôi bướng bỉnh ghê lắm, tôi đòi ba mua xe mới, thà nghỉ học chứ không chịu đạp cái xe cà tàng của ba tôi. 

Ba chưa kịp mua xe, nên những ngày đầu tôi ngồi xe Phong, hôm đầu đạp lên đến trường áo Phong ướt đẫm mồ hôi, tôi hỏi.

“Bộ Nhã nặng lắm hả?”.

“Đâu đâu”. Phong khua tay phân trần, chắc do bánh xe non hơi.

hoctro4

Tôi tạm tin thế. Bọn tôi học chung lớp, nhưng khác bàn, và vẫn cứ đi chung.

Ngày hôm sau đó, bọn tôi đi học muộn nên lũ bạn làng đã đi trước chỉ còn hai đứa trên một chiếc xe đạp lon ton rời làng. Lúc ấy, đi được một nửa đường xe Phong nổ lốp, làm tim tôi bắn cả ra ngoài.

“Sao lốp xe nổ vậy?”.

Phong thật thà.

“Do Phong chở thấy nặng, nghĩ bánh xe non nên hồi sáng bơm căng bánh”.

Tự nhiên tôi biết thẹn, tôi nhìn Phong cái dáng người gầy gò ấy, chở một đứa mũm mĩm như tôi, đã thế ngồi sau tôi không đạp giúp lại còn loay hoay đủ kiểu và tôi thấy thương thương ở tim một tẹo.

Hai đứa cùng nhau quay về, Phong dắt xe, tôi nhảy chân sáo bên cạnh Phong, tay đung đưa cái cặp, miệng ngân nga câu hát:

“Quê tôi có cánh diều vi vu, xa sau lũy tre làng

Trưa trưa dưới mái đình rêu phong, là bóng mát ngày thơ.

Quê tôi có cánh đồng bao la, thắm hương lúa lên đồng

Liêu xiêu mái tranh nghèo đơn sơ, trở về nhé tuổi thơ tôi”.

Tôi hát và nhảy một hồi thì mệt, tôi đi bên Phong, bọn tôi nói chuyện.

“Phong dắt xe mệt không, đưa Nhã dắt đỡ một đoạn”.

“Phong cười gì hoài vậy?”.

“Nhã hát, nhảy vòng tròn còn không mệt, Phong mệt gì đâu”.

“Nhã hát hay quá”.

Tôi cười tít mắt.

“Sau này học xong Nhã muốn làm gì?”.

“Tôi mộng mơ, làm nhà thơ, nhà văn. Còn Phong, Phong thích làm gì?”.

Phong im lặng, hồi lâu trả lời.

“Phong mong được xuất ngoại”.

"Nhà Phong có ông bác sau khi hòa bình thì sang Đức".

diduoimua5

Tôi cũng im lặng, rồi tôi nói.

“Phong có quên Nhã không?”

“Không bao giờ quên”. Phong trả lời chắc nịch.

Tôi tin thế.

Thời gian thấm thoát trôi, bọn tôi đi cùng nhau qua các mùa nhưng năm ấy đến mùa hạ thì Phong xa tôi thật.

Ngày lên đường sang Đức, Phong hẹn tôi ra bên sông, hai đứa ngập ngừng không nói, sau thì Phong cũng lên tiếng

“Nhã gọi Phong bằng anh nhé”. 

Tôi nhìn phong, gật đầu

“Anh …”.

“Nhã chờ Anh về nhé”.

Anh hôn lên trán tôi, như lời giao ước ngầm chúng tôi dành cho nhau. Và anh đi.

Ngày anh đi trời chiều u buồn, ngắm hoàng hôn mà lòng nặng trĩu, bao giờ thì anh về, bao giờ cho đến ngày tương phùng mà hàn huyên.

Thời gian thấm thoát trôi, mang bao kỷ niệm, lời giao ước của anh và tôi xa đi mãi.

Tôi đi học sư phạm, sau tôi về làm cô giáo làng, tôi đợi anh, tin vào định ước của chúng tôi, tôi cũng hay qua nhà anh, bố mẹ anh già đi nhiều, mái tóc bây giờ đã phai màu gió sương. 

Lần nào qua tôi cũng ở lại phụ này kia, chỉ có tin anh là không có. Bố mẹ anh thấy thương tôi, cứ an ủi rằng nó khỏe lắm, 5 năm trôi qua là nó về ngay. Không một bức thư, lời nhắn cho quãng thời gian xa cách.

5 năm trôi qua, anh về thật, nhưng anh không về quê ngay, anh ở lại Hà Nội, có công ty lớn đã nhận anh từ khi chưa về nước.

Tôi luôn nghĩ tới anh, tôi tưởng tượng anh sẽ cao hơn, mập hơn nhưng nụ cười có cái núm hạt gạo chắc vẫn thế. Ngày gặp anh tôi sẽ ôm anh thật lâu, thật chặt để anh không xa tôi nữa, tôi thầm ước thế.

choangkhanam

Chờ mãi mà không thấy anh về quê, tôi đánh liều xin địa chỉ từ bố mẹ anh, tôi lên nơi anh làm. Một chặng đường xe dài 600km không làm tôi mệt mỏi, ngược lại lòng hồi hộp vô cùng. Đến chỗ anh ở nhưng tôi không được vào, bác bảo vệ thấy thương cô bé nhà quê nên cho ngồi trong phòng làm việc của bác ngồi chờ. Đợi đến tối, thì anh cũng về, tôi đứng sững, bàn tay trong bàn tay kia, anh đang ôm ấp một cô gái xinh đẹp, và họ thật xứng đôi. Bác bảo vệ khi ấy nhiệt tình gọi anh vào nhận người nhà, tôi không còn tâm trí cản.

Gặp nhau trong hoàn cảnh ngượng ngùng, tôi không dám nhìn thẳng vào anh, vào người đàn ông tôi đem lòng yêu, tình yêu đầu đời anh xé nát tim tôi. Tai tôi ù đi, tôi quay người vội bước anh không chạy theo, anh cũng không nói gì ngoài im lặng.

Thành phố dòng người tấp nập, tôi ước giá có một cơn mưa lúc này để gột sạch lại lòng tôi, cô đơn tôi bước. Không lời chia tay cho lời hẹn ước, ký ức trong tôi anh bỗng nhạt nhòa, tình tôi mà anh dễ lãng quên.

Tôi về quê, không muốn nghĩ tới anh nhưng đi tới đâu bóng anh cũng ở đấy, từ cây cau trước nhà, đến bờ ao, gốc đền… tim tôi đau lắm. Giá nội tôi còn sống chắc tôi đỡ cô đơn.

Cố gắng quên, nhưng lòng càng nhớ, tôi chọn cách ra đi, tôi trốn chạy con tim, tôi rời làng quê bao năm gắn bó, tôi để lại tình tôi. Tôi cất tình anh vào bài thơ cuối hạ.

“Ta quen nhau từ ngày thơ bé

Anh và tôi như một bóng hình

Anh là cây, tôi chọn làm cành lá

Cùng kề vai, hẹn ước một đời

Rồi bão tố tới, cây quên đi lá

Gió cuốn lá rồi, xa mãi xa”.

Lúc này, tôi chợt hiểu rằng chúng tôi đã lớn và anh không còn là cậu nhóc năm nào luôn phải chịu đựng những vết thương vô tình đến từ tôi. Nhưng những vết thương ngoài da ấy, đau rồi sẽ lành, còn với tôi, vết thương đến từ tình yêu đầu đời khó lòng mà quên được. Vùng ký ức bình yên mà chúng tôi từng có, mãi mãi vẫn chỉ là một hồi ức đẹp đã từng có mà thôi. 

Tác giả: TUYẾT HẠ - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay3,816
  • Tháng hiện tại109,421
  • Tổng lượt truy cập8,427,151
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây