Niềm vui là thứ không nên để dành

Thứ tư - 20/01/2021 23:29
Cảm xúc là vô hình, nhưng cũng như không khí, ta cần nó mỗi ngày để tồn tại. Nhưng để “sống”, cụ thể hơn ta cần niềm vui và hạnh phúc. Và bạn có biết, niềm vui và hạnh phúc không được chứa đựng trong “niêu cơm của Thạch Sanh”
***
Trong rất nhiều bài post trên mạng xã hội ngày cuối năm, tôi bắt gặp câu nói này và nghĩ về nó suốt thời gian còn lại của ngày 31.12. Niềm vui là thứ không nên để dành?
Năm 2020 dạy bạn điều gì?
Tôi không dành một status hay một bức ảnh nào để tổng kết lại năm 2020 của mình, nhưng nếu chọn, tôi nghĩ sẽ chọn một bức ảnh đen trắng. Năm 2020 chắc chắn là một năm không có nhiều thành công đối với cả nhân loại chứ không chỉ là với một cá thể nhỏ bé nào. Những mất mát ở tầm vĩ mô cũng đã dạy cho chúng ta về sự quan trọng của những điều nhỏ bé hiện diện ở quanh mình.
Có thể bạn không đong đếm được niềm vui sẽ hữu hình thế nào, nếu như bạn chưa trải qua những căn bệnh tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm. Cảm xúc là vô hình, nhưng cũng như không khí, ta cần nó mỗi ngày để tồn tại. Nhưng để “sống”, cụ thể hơn ta cần niềm vui và hạnh phúc. Và bạn có biết, niềm vui và hạnh phúc không được chứa đựng trong “niêu cơm của Thạch Sanh”. Người ta có câu “tiền cũng không mua được hạnh phúc”, nhưng cũng có người cho rằng khi có tiền ta có thể mua bất kì món đồ nào mà ta thích, đấy cũng là hạnh phúc rồi.

Vậy hoá ra những người không thể chạm tay vào những chiếc túi, đôi giày giá chục triệu, trăm triệu là những người bất hạnh hay sao? Ở một khía cạnh nào đó, đúng là họ sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác dùng những món đồ xa xỉ sẽ thế nào. Nhưng bạn thử nhớ lại xem, cảm giác sung sướng thoả mãn khi có được món đồ mình ao ước bấy lâu, nó kéo dài bao lâu? 1 ngày? 1 tuần hay 1 tháng? Nói một cách dân dã thì là “cả thèm chóng chán”, còn giải thích một cách khoa học thì đó là do dopamine – chất hoá học kích thích vùng cảm nhận niềm vui – đã hết. Thậm chí trong y học có một triệu chứng được gọi tên là Anhedonia – mất khả năng cảm nhận niềm vui. Anhedonia sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu và cả trầm cảm, căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, gây ra tỉ lệ tử vong còn cao hơn cả tai nạn giao thông.
Niềm vui không phải thứ để dành
Khoảng thời gian phải sống chung với chứng rối loạn lo âu, trầm cảm đã dạy tôi hiểu được sâu sắc giá trị của đời sống tinh thần. Đương nhiên tôi không khuyến khích mọi người cần phải trải nghiệm để thấy rõ điều đó, tuy nhiên việc hiểu về những tình trạng bệnh lý tâm lý sẽ giúp ta chủ động tạo lá chắn trước khi nó tấn công ta.
Có bao giờ bạn tự hỏi, cuộc sống của bạn có nhiều niềm vui hay nhiều nỗi buồn hơn? Nếu cần liệt kê, cột niềm vui có dài hơn cột nỗi buồn? Ví dụ một buổi sáng trót ngủ quên, lại gặp cảnh tắc đường, đi được nửa đường lại nhớ ra quên mang tài liệu… những sự việc diễn ra trong khoảng 2h tiếng đồng hồ đó có quyết định tâm trạng và cả hành động cả 1 ngày của bạn không? Bạn sẽ tìm cách để thay đổi tâm trạng hay sẽ đổ lỗi rằng vì đang khó ở nên làm chuyện gì cũng hỏng? Nếu bạn ở vế thứ 2, bạn cũng giống tôi. Và tôi khá chắc là chúng ta không cô đơn.
“Một ngày tồi tệ không có nghĩa là cả đời sẽ tồi tệ”, tôi từng trấn an mình bằng câu nói đó trong những ngày còn đang mấp mé, chới với dần tiến vào vùng tối của trầm cảm. Nhưng bài học tôi học được sau khi “tạm” thoát khỏi nó chính là cách để phòng vệ.
Bằng cách dừng việc cảm thấy có lỗi nếu không tan làm đúng giờ để về nhà kịp ngồi ăn cơm cùng bố mẹ.
Bằng một cốc cafe buổi sáng cho cô bạn đồng nghiệp ngồi cạnh.
Bằng cách thay thế những cuộc hẹn “hôm nào gặp nhé” thành cuộc hẹn “tối nay nhé”.
Không chỉ là câu cảm ơn, hãy hỏi tên anh bảo vệ luôn dắt xe cho bạn mỗi ngày.

Nếu có lỡ bắt đầu một ngày bằng những việc không như ý, thay vì mang bộ mặt cáu kỉnh cùng một tràng những lời than vãn đến chỗ làm, bạn hãy hít thở một hơi thật sâu trước khi mở cánh cửa phòng. Những năng lượng xấu không nên ở bên trong bạn, càng không nên lan tỏa đến những người xung quanh.
“Niềm vui” là thứ bạn không nên và không cần phải tiết kiệm. “Niềm vui” không cần phải sale off mới có thể “mua 1 được 3”, bạn có thể “phung phí” nó ra xung quanh mà không sợ bị lỗ vốn (thực ra bạn sẽ “lãi” rất nhiều).
Tiền bạc hay thời gian suy cho cùng vẫn là những phương tiện để chúng ta tận hưởng cuộc sống. Nhưng dù bạn không đủ tiền mua một chiếc túi hàng hiệu, hay không đủ thời gian (và cả tiền bạc) cho một chuyến du lịch Châu Âu, bạn vẫn có thể có đầy ắp niềm vui chỉ bằng một miếng táo được cô bạn đồng nghiệp để phần sau bữa cơm trưa.
Niềm vui là thứ không nên để dành, bởi nó cũng là hữu hạn.
Niềm vui là thứ không nên để dành, bởi nó chỉ có thể lớn lên bằng cách lan tỏa và chia sẻ.
Niềm vui là thứ không nên để dành, nếu đang có – hãy cho đi, nếu đang thiếu – hãy mở rộng trái tim để nhận lấy, nó ở rất gần bạn thôi.

Tác giả: Kaya - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay6,026
  • Tháng hiện tại19,706
  • Tổng lượt truy cập8,337,436
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây